Tin tức

Chuyển tiền Việt Úc – Úc Việt, Dịch vụ chuyển tiền

Nguyên tắc hoạt động kinh doanh của dịch vụ chuyển tiền rất đơn giản: Công ty chuyển tiền ở Việt Nam nhận tiền của khách hàng ở Việt Nam rồi sau đó, chi nhánh của họ ở Úc sẽ chuyển tiền cho người thân của khách hàng ở Úc. Như vậy, trên thực tế thì không có giao dịch thực sự xảy ra. Việc chuyển tiền từ Úc về Việt Nam cũng diễn ra tương tự.

Dịch vụ chuyển tiền sang úc

Nghe nói tới dịch vụ chuyển tiền, hẳn một số người sẽ nghĩ “coi bộ làm nghề này khó thọ … à nha” vì những rắc rối hoặc mờ ám có xảy ra ví dụ như rửa tiền, chuyển tiền phi pháp. Những người nghĩ như thế có thể sẽ ngạc nhiên khi tiếp xúc với ông Xuân Nhượng, một người có tuổi đời không còn trẻ, 73 tuổi và đã ‘thọ’ trong nghề này tới hơn 20 năm. Ông Xuân Nhượng cho biết, bí quyết giúp ông ‘thọ’ trong nghề cũng như giúp cho lương tâm ông thanh thản khi hành nghề dịch vụ có nhiều ‘góc tối’ này là chấp hành pháp luật và có ‘tâm’.

Theo ông, một trong những điều luôn luôn phải nhớ nằm lòng là tránh xa mọi hoạt động rửa tiền, không bao giờ chuyển tiền cho các đối tượng liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy vì “lương tâm không cho phép và sau đó thì chẳng chết trước cũng chết sau”. Ông cho biết, khi đã làm trong lĩnh vực này thì phải chấp nhận cho các cơ quan chức năng theo dõi mọi hoạt động. Một trong những điểm mấu chốt là bất cứ một giao dịch chuyển tiền nào, dù là số lượng nhỏ, ông cũng tuân thủ luật pháp Úc là báo cáo cho các cơ quan chức năng trong vòng tám ngày.

Trước câu hỏi làm sao để nhận biết tiền gửi là tiền phi pháp hay không, ông Xuân Nhượng khẳng định: “Làm việc này từ hơn 20 năm nay thì không thể nói rằng không biết. Đó là nhờ vào trực giác. Nếu nghi ngờ, tôi sẽ nói rõ cho khách hàng là tôi tuyệt đối không bao giờ tiếp tay cho các hoạt động phi pháp như buôn bán ma túy hoặc vũ khí…Tôi cũng nói rõ là tôi có trách nhiệm báo cho các cơ quan chức năng theo luật định. Nghe xong, họ cũng không giao tiền cho mình vì họ rất khôn ngoan và cảnh giác cao”.

Nguyên tắc chuyển tiền

Nguyên tắc chuyển tiền rất đơn giản: Đại diện của ông ở Việt Nam sẽ nhận tiền của khách hàng và công ty của ông ở Úc sẽ có trách nhiệm chuyển đúng số tiền đó cho thân nhân của khách hàng ở Úc. Trong quá trình nhận và chuyển như vậy, công ty của ông đóng vai trò trung gian và nhận tiền hoa hồng, còn gọi là lệ phí.“Nếu người ta gởi một hai trăm đô thì tôi lấy họ bốn đô; 1000 đô tôi lấy 15 đô; 10.000 đô thì lấy 50. Từ 10 ngàn đô trở lên thì 0.5% số tiền gửi”.

Để chuyển tiền, ông hoặc người đại diện của ông ở Việt Nam sẽ yêu cầu khách hàng phải cho biết chi tiết thông tin cá nhân như tên tuổi, ngày sinh, nghề nghiệp, địa chỉ, số điện thoại. “Nếu khách hàng ở Việt Nam muốn gởi từ 1000 đô la trở lên thì tôi sẽ yêu cầu họ cung cấp cho tôi bản photo giấy chứng minh nhân dân, còn nếu là khách hàng ở Úc thì tôi yêu cầu bằng lái xe để nếu cần, chính quyền có thể biết nguồn gốc số tiền của họ”. Nếu khách hàng tại Úc muốn chuyển tiền về Việt Nam sinh sống ở những vùng xa xôi hoặc không thuận tiện để họ đưa tiền mặt cho công ty thì họ có thể nộp tiền vào tài khoản của ông. Tương tự, nếu khách hàng ở Việt Nam muốn gửi tiền sang Úc và không muốn đưa tiền mặt thì họ cũng có thể nộp tiền vào tài khoản của người đại diện của ông ở Việt Nam.

Có rất nhiều lý do để khách hàng nhận và chuyển tiền như xây nhà cửa, làm đám cưới cho tới chơi hụi, làm ăn…nhưng khách hàng chính của ông là du học sinh và “đây là đối tượng tôi quan tâm cũng như tạo nhiều điều kiện dễ dàng hơn. Thường thì các em muốn lấy tiền gấp để đóng học phí hoặc chi trả tiền nhà cửa, sinh hoạt bên Úc. Các em thường liên hệ với tôi trước để đại diện của tôi ở Việt Nam nhận tiền của bố mẹ các em rồi bên này tôi sẽ chuyển cho các em tiền đô”.

Tâm lý chuyển tiền của phụ huynh du học sinh là “phải làm sao chuyển nhanh nhất” vì ngoài vấn đề thời gian, họ còn sợ tiền thất lạc, không đến được tay người nhận.

Thông thường, tiền được giao ngay cho người nhận trong ngày, chậm lắm là ngày hôm sau. “Ví dụ, trong trường hợp chuyển tiền từ Úc về Việt Nam, chỉ trong vòng một tiếng sau khi tôi nhận tiền của khách hàng ở Úc, người của tôi tại Việt Nam sẽ đi giao tiền cho khách hàng ngay. Tuy nhiên, cũng có lúc ngân hàng ở Việt Nam thiếu đô Úc nên thời gian giao tiền cho khách bị chậm lại.” Ông cho biết, trước đây, khi các chi nhánh ngân hàng Úc mới hoạt động ở Việt Nam thì có nhiều chậm trễ nhưng tới nay thì vấn đề này đã được giải quyết.

Thời gian vất vả, bận rộn nhất của dịch vụ chuyển tiền là dịp cuối năm, lễ Giáng Sinh, ngày Tết, hoặc những lúc ở Việt Nam xảy ra bão lụt vì “người bên Úc lại ùn ùn gởi tiền về giúp đỡ thân nhân gặp khó khăn”.

Một trong những lý do khiến cho những dịch vụ chuyển tiền vẫn tiếp tục hoạt động bên cạnh hệ thống ngân hàng là vì sự thuận lợi cho khách hàng. Tại Việt Nam, để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Tương tự, tại Úc, khách hàng cũng phải giải trình mục đích chuyển tiền với cơ quan có chức năng. Chính những thủ tục này gây ra tâm lý ngại cho khách hàng khá. Trong khi đó, nếu chuyển tiền qua hệ thống công ty tư nhân thì mọi thủ tục đều gọn nhẹ, nhanh chóng và hoàn toàn kín đáo.

Rủi ro nghề nghiệp

Ông Xuân Nhượng cho biết nguyên tắc làm việc của mình: “Chỉ sau khi tôi biết đã có tiền trong tài khoản hoặc đại diện ở Việt Nam đã nhận được tiền mặt rồi thì bên Úc, lúc đấy tôi mới trả tiền cho con em của họ”. Nguyên tắc tưởng chừng như đơn giản ấy là là kinh nghiệm ông rút ra được sau một vài lần không thu lại được tiền chỉ vì đã “trót ứng trước” vì thấy hoàn cảnh khó khăn hoặc trường hợp bất ngờ xảy ra của khách hàng.

Những rủi ro kinh doanh tương tự ông cũng từng gặp phải: “Quỵt tiền thì có nhưng mất tiền thì chưa. Hơn 20 năm nay tôi chưa bị mất, bị cướp bao giờ. Bị quỵt là vì tôi không theo nguyên tắc “mình phải cầm được tiền rồi mình mới gởi cho người thân của khách hàng”.

Chữ ‘Tín’ trong nghề

Một điều thú vị là tuy kinh doanh lâu năm trong nghề tại Úc nhưng ông Xuân Nhượng lại không biết tiếng Anh.

Ông cập nhật các thông tin về vấn đề chuyển tiền, luật lệ bài trừ các hoạt động tội phạm trong lĩnh vực tài chính đăng trên website, báo chí là “nhờ con, nhờ người biết tiếng Anh dịch rồi xem đi xem lại và tuân thủ các luật lệ, quy định đó”.
Chính vì vậy mà mặc dù hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có nhiều ‘góc tối’, ông luôn cảm thấy rất bình an và lương tâm thanh thản. “

Ông chia sẻ: “Tôi năm nay đã 73 tuổi rồi. Tôi đâu làm nghề khác được nữa. Mình cẩn thận làm việc này, giữ chữ Tín làm đầu nên bà con thương”.

Nếu không có chữ Tín chắc hẳn chẳng ai dám giao số tiền mà nhiều khi họ phải chắt chiu cả một đời làm việc vất vả cho một người không phải là ruột rà, máu mủ.